Tìm kiếm

KIỂM SOÁT CÁ TRA

( 06-06-2014 - 09:59 PM ) - Lượt xem: 825

Ngày 21/8, tại TP Cần Thơ, Bộ NN-PTNT và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL. Đây là hội nghị thường kỳ lần thứ 2 trong năm có sự tham dự đại diện Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành, Hiệp hội cá tra, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam...

Hội nghị đánh giá tình hình SX và XK cá tra, bàn giải pháp SX từ nay đến cuối năm 2013 và ghi nhận ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Thả nổi và hệ lụy

Theo Tổng cục Thủy sản, tính từ đầu năm đến 16/8/2013, vùng ĐBSCL thả nuôi cá tra 4.696 ha, tăng 4,2% so cùng kỳ năm 2012, sản lượng thu hoạch đạt 770.796 tấn, tăng 5,3% so cùng kỳ. Tuy SX vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng nhưng sau đó bất lợi kéo theo hàng loạt: Giá nguyên liệu đầu vào thức ăn tăng 300 - 500 đồng/kg, thuốc thú y thủy sản tăng bình quân 10%... khiến giá thành SX tăng cao. Trong quí I, giá thành SX 23.000 - 24.500 đồng/kg, người nuôi bán cá 20.000 - 22.500 đồng/kg, lỗ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Sang quí II và đầu quí III do giá thức ăn giảm 200 - 300 đồng/kg, giá thành SX từ 22.000 - 24.000 đồng/kg, giá cá bán 22.500 - 22.700 đồng/kg người nuôi lỗ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Liên kết SX giữa người nuôi cá và DN còn lỏng lẻo và thường xảy ra việc đơn phương tự ý hủy hợp đồng hoặc DN mua cá chiếm dụng vốn, kéo dài thời gian trả nợ người nuôi.

Qua kết quả khảo sát của Tổng cục Thủy sản, hiện nay không có hiện tượng tồn đọng cá trong dân. Một số DN có hàng tồn kho nhưng không nhiều. Dù vậy, trong số trên 70 DN có nhà máy chế biến cá tra có một số DN đang thiếu vốn, hoạt động cầm chừng; có DN giảm 2/3 công suất và cắt giảm 30 - 50% lao động. Xuất hiện hiện tượng mới, báo động một số DN gia tăng XK cá tra nguyên con và cá chỉ cắt đầu và nội tạng bán với giá rẻ và một số DN hạ giá bán sản phẩm XK rồi quay lại ép giá thu mua cá nguyên liệu trong nước.

     Cần có biện pháp kiểm soát sản lượng cá tra

Nhiều ý kiến đóng góp từ các cơ quan chuyên ngành thủy sản và DN trong ngành hàng cá tra thừa nhận: Cho đến nay việc quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập. Việc quản lý quy hoạch tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức nên phát sinh tình trạng thả nổi cho người nuôi ngoài vùng quy hoạch gây nên mất cân đối cung - cầu. Mặt khác hệ lụy từ vấn đề thiếu vốn trầm trọng của một số DN và người nuôi thuộc nhóm nợ xấu hoặc hết tài sản thế chấp, hạn mức cho vay chỉ đáp ứng 20 - 30% nhu cầu. Một số hộ nuôi cá vay vốn ngân hàng thương mại ngoài Nhà nước vẫn còn chịu lãi suất cao 14 - 17%/năm.

Biện pháp chấn chỉnh

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam(VASEP) nhận xét: “Cá tra là sản phẩm mang tính thị trường, chúng ta làm thế nào xác định mức cung - cầu. Quy hoạch của Thủ tướng đã duyệt, tăng sản lượng đồng nghĩa mở được thị trường tới đâu. Tôi nghĩ nên có định hướng cụ thể mang tính tổng thể. Hiện nay vấn đề khó là quy hoạch SX cá tra, kiểm soát tổng sản lượng là yêu cầu số một; đồng thời phát triển thị trường để tăng mức cầu. Giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, có thể đề xuất quota (hạn mức) cho từng tỉnh SX cá tra. Đối với Ngân hàng Nhà nước đề nghị chính sách cho vay có địa chỉ đối với người nuôi cá và DN XK”.

Trong tình hình cá tra giá thấp, ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Cty CP Thủy sản Hùng Vương, băn khoăn: So sánh qua 7 tháng đầu năm vì sao sản lượng SX, XK cá tra tăng nhưng giá XK giảm. Trong 7 tháng qua các DN SX thức ăn cá tra bán ra có dấu hiệu sụt giảm 30%. Đó là do vùng nuôi cá tra trong dân và DN đang giảm. Dự báo từ quí IV sẽ thiếu cá tra nguyên liệu. Như vậy dòng tiền bơm vào cá tra đang nằm ở đâu? Định hướng SX trong thời gian tới như thế nào để tăng giá XK? Đi tìm nguyên nhân vì sao sản lượng tăng giảm thất thường, chúng tôi cho rằng vấn đề trong số 152 DN thì có hơn 90 DN bán cá dưới giá 2 USD/kg. Có phải do còn nhiều DN thuần về thương mại (không có nhà máy chế biến) tham gia XK cá tra? Vấn đề này rõ ràng vượt tầm Hiệp hội. Do đó chúng tôi đề nghị bổ sung vào Nghị định cá tra sắp tới cần quy định rõ điều kiện các DN tham gia XK. Ngành hàng cá tra cần có sự thanh khoản trong hoạt động mua bán, thanh toán của các DN để tránh tình trạng bán cá giá thấp.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Cty CP Cafatex (Hậu Giang) đề nghị: Bổ sung vào dự thảo Nghị định cá tra thêm vấn đề kiểm soát về sản lượng. Nhà nước quy hoạch, nhưng nếu không kiểm soát sản lượng sẽ là tai họa. Trong đó vai trò ngân hàng là van điều chỉnh. Sản lượng kiểm soát được, giá sẽ điều chỉnh tăng lên. DN kinh doanh XK với điều kiện có nhà máy chế biến và DN thương mại không tham gia XK trực tiếp. Về giá sàn, VASEP từng áp dụng và có tác dụng, nhưng giá sàn áp dụng linh hoạt khi có yêu cầu cần thiết và nên có biện pháp xử lý khi DN vi phạm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhận định: Trong 7 tháng đầu năm, dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành cá tra vẫn cố gắng duy trì SX, giữ diện tích, sản lượng đạt mức tương đương cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên hiệu quả SX người nuôi cá và lợi nhuận DN không đạt, thậm chí lỗ vốn. Có 2 yếu tố, thị trường XK gặp nhiều khó khăn do quan hệ cung - cầu và chưa kiểm soát được giá XK; người nuôi cá có khi bán dưới giá thành. Từ nay đến cuối năm 2013 và năm 2014 khó khăn lớn vẫn là thị trường. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp giải quyết tháo gỡ khó khăn SX và tiêu thụ các mặt hàng lúa gạo, thủy sản; các Bộ, ngành, hiệp hội khảo sát, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường các nước Trung Đông, Trung Quốc… Sắp tới SX cá tra cần có biện pháp áp dụng khoa học công nghệ để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời củng cố hoạt động SX liên kết giữa người nuôi cá và DN.

Qua ghi nhận tiếp thu các ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định về cá tra lần này, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan thẩm định, dự kiến đến tháng 10/2013 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo VASEP, trong 7 tháng đầu năm 2013 kim ngạch XK cá tra đạt 983 triệu USD, giảm 0,6% so cùng kỳ năm 2012. Phần lớn thị trường 137 quốc gia nhập khẩu cá tra đang có dấu hiệu phục hồi, ngoại trừ các nước EU vẫn trầm lắng, do sau giai đoạn suy thoái.